Những phương pháp tạo dựng lá phổi cho căn nhà từ sân vườn
Như ở vườn trà Chaniwa, trước khi bước vào trà thất mới phải đi qua các phiến đá bước dặm đến bể nước để tẩy trần tay chân.
Thông thường, sân trong là khoảng không gian tập trung chính cho nhiều mục đích khác nhau từ nấu nướng, ăn uống đến vui chơi, giải trí… nhưng đôi khi nó chỉ có tác dụng như một khoảng thông tầng nhỏ trong nhà, vì vậy không nhất thiết phải có thảm thực vật đi cùng.
Ngược tìm về “gốc rễ”
Nhà có kèm sân trong chủ yếu phổ biến ở các vùng có khí hậu ôn đới, trong đó sân trong đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện vi khí hậu, làm mát ngôi nhà trong những ngày thời tiết oi bức. Mặc dù vậy chúng cũng được bắt gặp ở các vùng có khí hậu khắc nghiệt hơn từ nhiều thế kỷ trước. Được biết đến sớm nhất là các dạng sân trong ở Iran và Trung Quốc xuất hiện vào khoảng 3.000 năm trước Công nguyên với sự pha trộn của nhiều chức năng khác nhau, thậm chí ở một số khu vực chúng còn được xây dựng cho việc giữ các động vật và gia súc nhỏ. Nhưng phải đến 1.000 năm sau người La Mã mới thật sự mở ra một bước ngoặt mới trong thiết kế và xây dựng, khi đó, sân trong mới bắt đầu được chú trọng về mặt công năng lẫn hình thức thẩm mỹ.
“Hít thở” bằng những ngôn ngữ khác
Được xem như lá phổi trung tâm của mọi ngôi nhà, sân trong của La Mã cổ đại có hai dạng trước và sau, sân phía trước luôn có một hồ nước hình chữ nhật tại trung tâm để chứa nước mưa, sân phía sau là vườn cây được bài trí cẩn thận. Các thiết kế sân trong về sau được áp dụng và phát triển ngày càng đa dạng từ hai hình thức cơ bản này. Cùng sự nới rộng về diện tích của sân trong, các thức cột bắt đầu xuất hiện dọc các hàng hiên, bao quanh chu vi của sân, có ảnh hưởng rất lớn đến cấu trúc của các sân trong châu Âu, đặc biệt là sân trong của các tu viện nhiều thế kỷ sau đó.
Với dạng sân trong cổ điển của châu Âu, thì bố cục đối xứng qua một hoặc hai trục được xem như một mô tuýp điển hình. Dạng sân này thường có kích thước khá lớn, chỉ xuất hiện ở các công trình công cộng, đền đài, trong đó trung tâm có thể là hồ phun nước, một bồn hoa lớn hay đơn giản chỉ là mảng sân được lát hoa văn theo phong cách Mosaic. Bao bọc xung quanh khu trung tâm thường là các luống hoa và cây xanh được cắt tỉa gọn gàng cẩn thận, màu sắc của các dãy hoa không trộn lẫn mà được sắp xếp theo một ý đồ nhất định. Dọc suốt chu vi sân là các hàng cột La Mã hay Hy Lạp bố trí dày hoặc thưa thớt tuỳ sở thích, vừa có tính thẩm mỹ cao vừa có tác dụng tạo đường dẫn cho lối đi ở hàng hiên. Ngoài ra trong một số công trình ở châu Âu các thức cột còn kết hợp với cung tròn tạo các mái vòm đầy vẻ uy nghi và cổ kính bao quanh sân. Đôi khi chỉ cần nhìn vào đặc trưng các thức cột đó mà người ta còn có thể đoán được niên đại và gốc gác của công trình.
Sân trong cũng là một trong những nét đặc trưng kiến trúc – cảnh quan của một số nước châu Á. Ở Trung Quốc, nơi luôn đề cao mối quan hệ huyết thống gia đình, đặc biệt là ở những gia đình yêu chuộng truyền thống, sân trong như một “đầu mối” tập trung, quần tụ những đơn vị gia cư quy mô nhỏ. Sân trong được xem là nơi yên tĩnh và rất riêng tư, vì thế có một số nhà bố trí nhiều sân trong, với những sân ngoài cùng để tiếp khách và sân trong cùng dành riêng cho gia chủ hay người thân. Ở giữa khoảng sân lát hoa văn truyền thống, rộng rãi và thoáng đãng, thường xuất hiện bộ bàn ghế đá như là một “điểm hẹn” để người ta có thể ngồi vừa nhâm nhi tách trà, vừa trò chuyện, hoặc cùng nhau thưởng thức thú vui tao nhã bên bàn cờ cùng kỳ thủ. Gắn liền với yếu tố mặt nước trong phong thuỷ, người Trung Quốc cũng chuộng đặt các lu nước hay bồn nước nhỏ tại khu trung tâm sân trong. Bốn phía có thể là những chậu cây cảnh được gia chủ chăm sóc cẩn thận, đăt gọn gàng ở những hàng hiên xung quanh, hoặc đơn giản hơn là những góc sân phủ cây cỏ hay các loại dược liệu được trồng theo sở thích với hình thức khá tự do.
Trong khi đó, ở Nhật người ta lại quan niệm khoảng sân trong là một bức tranh nghệ thuật sắp đặt mang trong mình những giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc. Lúc này, các hàng hiên xung quanh nhẹ nhàng biến thành những vị trí thưởng thức thiên nhiên đầy ý nhị và tĩnh tại. Một đặc điểm nữa của sân trong Nhật Bản là diện tích thường khá nhỏ. Ngoại trừ các sân trong của các công trình mang tính cộng đồng, những sân tại gia chỉ vừa đủ để người nhìn có thể quan sát và cảm nhận rõ nét toàn bộ quang cảnh như một bức tranh trước mặt mà không cần phải phóng tầm mắt ra xa. Ở nơi đó, sân trong được các nghệ nhân biến hoá hình thức với đá, sỏi theo phong cách thiền Karesansui hay bố trí những mảng cây cảnh, bể nước, đá bước dặm theo hình thức vườn trà Chaniwa. Đặc biệt các lối đi ở sân trong theo phong cách Nhật Bản chỉ mang hình thức tượng trưng, hiếm khi được sử dụng trừ khi đó là các nghi thức bắt buộc. Như ở vườn trà Chaniwa, trước khi bước vào trà thất mới phải đi qua các phiến đá bước dặm đến bể nước để tẩy trần tay chân.
Bàn về những “lá phổi” ngày nay, đa phần các gia chủ đều muốn đưa một phần không gian tự nhiên như vậy vào nhà nhưng không phải bất kỳ căn hộ nào cũng có kích thước lớn, chính vì vậy những khoảng sân trong từ nhỏ đến vừa phải như thông tầng luôn luôn là sự lựa chọn tốt nhất. Đặc biệt đối với các cao ốc hay văn phòng máy lạnh, thì những góc sân nho nhỏ đầy nắng với kính cường lực bọc xung quanh, có thể khiến không gian làm việc thêm phần thoải mái và dễ chịu.
Những sân trong hiện đại chủ yếu sử dụng bố cục bất đối xứng, đặc biệt bố trí cây xanh tương đối đơn giản nhưng không hề đơn điệu. Đôi khi trong sân chỉ cần một hồ nước hay cây lớn làm điểm nhấn, phần nền còn lại chỉ phủ vật liệu hoặc thảm thực vật tầm thấp. Vật liệu lát sân cũng khá đa dạng và phong phú, tuỳ sở thích mà gia chủ có thể lựa chọn những vật liệu sao cho bật lên vẻ hiện đại và cá tính cho khoảng sân của mình.
Ở một số công trình các khoảng sân trong có thể lớn hơn nhưng xu hướng đơn giản hoá vẫn luôn đi đầu, bên cạnh đó cũng có thể bắt gặp những cách bố trí dày đặc và chi tiết hơn nhưng hầu hết đều theo bố cục bất đối xứng khá tự do.
Nhắc đến sân trong không thể không nhắc đến cụm từ Patio. Nhiều người xem chúng như cùng một nghĩa, nhưng thật ra Patio bao hàm cả sân trước, sân sau và sân trong, là một từ gốc Tây Ban Nha cụ thể để chỉ các khu vực nghỉ ngơi, ăn uống ngoài trời có sử dụng vật liệu lát nền thay vì để các khoảng đất hay thảm cỏ tự nhiên. Vì vậy một sân trong dù cổ điển hay hiện đại vẫn hoàn toàn có thể xuất hiện thêm các khu vực Patio đầy tiện dụng và xinh xắn. Với những gia chủ có sở thích ngồi thư giãn trong khoảng không gian thiên nhiên, thì một bộ bàn ghế ngoài trời là sẽ là sự lựa chọn tốt nhất. Tuỳ theo sở thích, nhu cầu sử dụng và đi lại mà ta có thể đặt chúng ở trung tâm, dựa vào tường hay yên vị tại một góc nhỏ trong vườn. Thông thường ở các sân trong cổ điển Châu Âu sẽ không có hình thức này, nhưng một vài dãy ghế đá được sắp xếp đối xứng qua trung tâm sân cũng có thể giúp bạn tận hưởng thiên nhiên một cách thư giãn và thoải mái.
Đặc biệt có thể kể đến là những khoảng không gian ngay bên dưới cầu thang. Nếu các khoảng sân trong theo phong cách hiện đại khá tinh giản và đề cao vật liệu lát nền thì những mảnh vườn bên cầu thang lại thường rậm rạp và nhiều khoảng “xanh” hơn. Được xem như một khu vực thông tầng đầy tiện dụng, những mảng sân này không chỉ tô điểm cho những góc cầu thang thêm sinh động mà còn góp phần mang thiên nhiên vào mỗi ngôi nhà.
Sân trong không những cung cấp một khoảng không gian yên bình giữa tự nhiên ngập tràn ánh sáng và khí trời, mà còn bảo đảm sự riêng tư và an toàn gia chủ. Ngày nay, sân trong được thiết kế và xây dựng tại khắp nơi trên thế giới với rất nhiều biến thể khác nhau. Có thể nói, chỉ cần nhìn vào mảng sân trong, người ta có thể nói lên được phần nào về truyền thống văn hoá đất nước, quan niệm về mối liên hệ giữa thiên nhiên và kiến trúc, cũng như cái tôi riêng biệt của chủ sở hữu công trình.
Leave a Reply